Bánh tro là một món ăn truyền thống, thường có mặt trong những dịp Tết Đoan Ngọ. Vậy bạn đã biết cách làm bánh tro chưa? Nếu chưa thì hãy cùng Gạo Hoàng Giao vào bếp để học cách làm bánh tro truyền thống siêu ngon siêu dễ nhé!
1. Bánh tro là gì?
Bánh tro còn được gọi là bánh gio hay bánh ú tro. Đây là một món ăn đặc sản không thể thiếu trong những dịp Tết Đoan Ngọ. Nguyên liệu chính để làm nên bánh tro chính là gạo nếp đã được ngâm trong nước tro để cho bánh có hương vị đặc trưng. Sau đó, người ta dùng lá tre hoặc lá dong để gói bánh.
Bánh tro sẽ được đem đi luộc chín để cho ra thành phẩm là chiếc bánh tro có lớp vỏ mỏng và dẻo dai mang màu hổ phách cùng với hương vị thơm ngon. Thông thường, mọi người hay ăn bánh tro kèm với mật mía. Khi ăn, đầu lưỡi của bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh của mật mía hòa quyện với hương vị đặc trưng của bánh tro khiến cho bạn ăn một lần là nhớ mãi.
Theo nhiều nguồn tư liệu thì bánh tro có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tuy nhiên, bánh tro của người Trung Quốc chỉ có 2 loại là nhân ngọt và nhân mặn. Cho đến khi du nhập vào Việt Nam thì loại bánh này đã được biến tấu để phù hợp với khẩu vị của người Việt.
>> Xem thêm: Công thức làm bánh tét nhân chuối siêu ngon
2. Cách làm bánh tro truyền thống đơn giản
2.1. Cách làm bánh tro nhân đậu xanh
2.1.1. Nguyên liệu làm bánh tro nhân đậu xanh
Trước khi học cách làm bánh tro nhân đậu xanh thì bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu sau:
- 600g gạo nếp.
- 200g đậu xanh đãi vỏ.
- 1 cái vỏ bông gòn.
- 1 muỗng canh dầu ăn.
- Lá tre, dây gói bánh.
- Nước.
- Nước sôi.
- Đường.
2.1.2. Hướng dẫn cách làm bánh tro nhân đậu xanh
Bước 1: Làm nước tro
Bạn đem vỏ bông gòn đi đốt cháy thành tro mịn màu đen. Rồi bạn cho tro vào 1 chén nước và để yên tầm 1 tiếng cho lớp tro lắng xuống. Sau đó thì chắt lấy phần nước trong bên trên bề mặt, rồi lọc nước qua rây vài lần cho đến khi mà nước tro không còn cặn.
Bước 2: Vo gạo
Bạn đem gạo nếp đi vo rửa sạch rồi cho vào nước tro và ngâm tầm 16 tiếng. Sau đó, bạn chắt bỏ phần nước tro đi và vo gạo nếp lại trong nước vài lần cho sạch rồi để ráo. Cuối cùng, bạn cho 1 thìa dầu ăn vào gạo nếp và xóc đều lên để gạo có độ bóng và dẻo mềm.
Bước 3: Nhân bánh
- Bạn bắc một nồi nước lên bếp và đổ đậu xanh vào luộc chín. Kế tiếp, bạn cho vào nồi khoảng 3 thìa đường hoặc hơn tùy vào việc bạn muốn phần nhân bánh ngọt nhiều hay ít. Sau đó, bạn đảo nhanh tay để cho hạt đậu nát mịn.
- Đổ đậu xanh ra chảo rồi sên trên lửa nhỏ cho đến khi đậu se khô lại.
- Cho 3 thìa đường vào đậu xanh. Bạn có thể tăng giảm lượng đường để phù hợp với khẩu vị của mình. Sau đó thì tắt bếp và để nguội.
- Chia nhân bánh tro thành nhiều phần nhỏ và vo tròn lại rồi để riêng ra đĩa.
Bước 4: Vỏ bánh
- Bạn đem lá tre đi rửa sạch và chần sơ qua nước sôi rồi để ráo nước. Làm như vậy thì lá tre sẽ mềm ra và dễ gói hơn.
- Bạn lấy hai lá tre đặt chồng lên nhau, sao cho chúng hơi lệch nhau một xíu. Tiếp theo, bạn nhẹ nhàng cuộn phần đầu lá tre thành hình một chiếc phễu, đồng thời giữ chặt phần đuôi lá để đảm bảo không bị hở.
- Bạn múc cỡ 2 thìa gạo nếp đổ vào lá tre được cuốn thành hình phễu. Sau đó, bạn cho 1 – 2 cục nhân đậu xanh vào trong rồi cho thêm nếp vào để che phủ lớp nhân. Rồi bạn dùng thìa ép bánh xuống thật chặt.
- Bạn gấp hết các góc còn lại của lá cho thật kín rồi dùng dây lạt buộc lại. Bạn tiếp tục gói những chiếc bánh tro còn lại tương tự như vậy cho đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị. Sau khi gói xong hết thì bạn cột bánh lại thành từng chùm.
Bước 5: Nấu bánh
Bạn đổ nước vào nồi sao cho nước ngập mặt bánh cỡ 1 gang tay. Khi nước đã sôi rồi thì bạn thả từng chùm bánh vào và luộc từ 1.5 – 2 tiếng. Sau khi bánh chín thì bạn vớt ra, rồi xả qua nước lạnh và treo lên cho ráo nước.
2.1.3. Thành phẩm
Đối với bánh tro ngon đúng chuẩn thì khi bóc bánh, bạn sẽ thấy bánh có hạt gạo nếp trong, nhân đậu xanh mềm, ngọt bùi và có mùi thơm nhẹ. Và bạn sẽ nếm được hương vị cực kỳ dẻo mềm, thơm ngon của chiếc bánh tro.
>> Xem thêm: Cách làm bánh ít lá gai nhân dừa
2.2. Cách làm bánh tro không nhân
2.2.1. Nguyên liệu làm bánh tro không nhân
Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- 2kg gạo nếp.
- 2 viên tro tàu.
- Lá tre.
2.2.2. Hướng dẫn cách làm bánh tro không nhân
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Bạn pha 2 viên tro tàu vào trong 200ml nước nóng rồi khuấy đều để tan thành dung dịch nước tro.
- Bạn vo sạch gạo nếp rồi ngâm gạo khoảng 4 tiếng. Sau đó, bạn đổ 200ml nước tro vào và ngâm gạo thêm tiếp khoảng 20 tiếng.
- Bạn đem lá tre rửa sạch rồi đem hấp trong khoảng 5 phút. Sau đó thì lấy lá ra để nguội. Rồi bạn lấy khăn sạch đi lau 2 mặt lá cho thật khô để bánh tro có thể để được lâu hơn.
Bước 2: Làm bánh tro không nhân
Bạn vớt gạo nếp đã ngâm được 24 tiếng ra rồi để ráo nước. Rồi bạn lấy lá tre xếp lại thành hình dạng cái phễu rồi múc từng thìa nếp cho vào lá và nén lại.
Tiếp theo, bạn khéo léo gấp kín miệng bánh và gói bánh thành hình dạng một khối kim tự tháp. Sau đó, bạn dùng dây lạt buộc chặt bánh để giữ bánh được cố định. Và bạn lần lượt gói những chiếc bánh tiếp theo theo cách như vậy cho đến khi hết nếp.
Cuối cùng, bạn xếp bánh vào nồi và đổ nước lạnh vào sao cho ngập hết mặt bánh. Rồi bạn tiến hành luộc bánh trong khoảng 5 tiếng để bánh đạt được độ trong và dẻo như mong muốn.
2.2.3. Thành phẩm
Bánh tro không nhân đúng chuẩn sẽ có màu tro sáng bóng nhìn rất thu hút, đẹp mắt. Nếu bạn ăn thử bánh thì sẽ cảm nhận được sự mềm dẻo, ngòn ngọt và hương vị khá ngon của bánh mặc dù là bánh không có nhân.
3. Cách làm mật mía để chấm bánh tro
3.1. Nguyên liệu làm mật mía
Để làm mật mía thì bạn cần chuẩn bị đầy đủ những nguyên liệu sau:
- 3 thìa đường đen hoặc đường nâu.
- 3 thìa nước cốt dừa đặc.
- ½ thìa cafe muối.
3.2. Cách làm mật mía
- Bước 1: Bạn cho 3 thìa đường đen (hoặc đường nâu), 3 thìa nước cốt dừa đặc vào một cái nồi rồi bật bếp đun nóng.
- Bước 2: Khi đun thấy các nguyên liệu đã hòa tan lại với nhau thì bạn cho thêm ½ thìa cafe muối để làm dịu lại vị ngọt của xốt chấm. Sau đó thì khuấy đều để tất cả hòa quyện lại với nhau.
- Bước 3. Bạn nấu hỗn hợp thêm khoảng 3 phút nữa rồi tắt bếp và đổ ra chén.
3.3. Thành phẩm
Sau khi làm xong xốt mật mía, bạn sẽ thấy phần xốt sóng sánh và có màu caramel rất đẹp mắt. Xốt mật mía sẽ có vị ngọt đậm đà, béo ngậy, thơm nhẹ. Khi bạn ăn bánh tro không nhân chấm với mật mía sẽ cảm thấy hương vị cực ngon.
Kết luận
Gạo Hoàng Giao hy vọng bài viết “2 cách làm bánh tro siêu ngon cho dịp tết đoan ngọ” sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích. Chúc bạn thành công làm ra món bánh tro kết hợp nước xốt mật mía siêu ngon miệng. Hẹn gặp lại bạn trong những series hướng dẫn nấu ăn tiếp theo.
Liên hệ