Bánh khọt là món ăn dân dã rất phổ biến ở miền Nam nước ta. Đặc biệt, đây là 1 trong số 6 món ăn Việt Nam lọt vào danh sách “Top 100 món ăn vặt ngon nhất châu Á” do trang chuyên ẩm thực Taste Atlas công bố đầu năm 2024. Vậy bạn có biết cách làm bánh khọt vàng giòn, thơm béo không? Nếu chưa biết thì mời các bạn hãy cùng khám phá ngay cách làm bánh khọt trong bài chia sẻ dưới đây.
1. Bánh khọt là gì?
Bánh khọt là món ăn vặt đường phố, rất được yêu thích ở miền Nam Việt Nam. Đây là loại bánh có hình dáng nhỏ, tròn với kích thước bằng cỡ lòng bàn tay trẻ em. Vỏ bánh khọt có màu vàng ươm đẹp mắt. Khi ăn bánh khọt, bạn sẽ cảm nhận được sự giòn rụm siêu ngon của lớp vỏ bánh.
Phần nhân của bánh khọt rất đa dạng. Người ta có thể dùng sò điệp, thịt bằm, tôm tươi, chả cá,… để làm nhân bánh. Tuy nhiên, tôm tươi vẫn là loại nhân được yêu thích và phổ biến nhất. Thông thường, bánh khọt sẽ được ăn kèm với các loại rau thơm và nước chấm.
2. Bánh khọt làm bằng bột gì?
Bánh khọt được làm từ 2 loại bột là bột gạo và bột sắn. Trong đó, bột gạo chiếm thành phần lớn nhất. Bột gạo có hàm lượng tinh bột cao nên khi kết hợp với nước thì bột sẽ trở thành hỗn hợp sền sệt và có đủ độ kết dính để giữ chặt phần nhân bên trong.
Hiện nay, để tạo ra bột gạo làm bánh khọt, người ta thường lựa chọn loại gạo có đặc tính cứng cơm, nở xốp. Trong đó, gạo Hàm Châu, gạo Sa Mơ và gạo 504 cũ là các loại gạo được sử dụng nhiều nhất để làm ra bột gạo. Nếu bạn có nhu cầu mua 3 loại gạo này thì hãy liên hệ với Gạo Hoàng Giao để nhận mức giá siêu tiết kiệm.
3. Nguyên liệu, dụng cụ làm bánh khọt
Trước khi học cách làm bánh khọt thơm ngon chuẩn vị thì bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu và dụng cụ sau:
3.1. Nguyên liệu làm bánh khọt
Bánh khọt được tạo ra từ những nguyên liệu sau:
- 250g bột gạo.
- 300g tôm.
- 200ml nước cốt dừa.
- 50g bột chiên giòn.
- 15g bột năng.
- 10g bột nghệ.
- 70g cơm.
- 200ml nước dừa.
- 10g hành lá.
- 1 quả trứng gà.
- 6 củ hành tím.
- 100g rau ăn kèm (cải bẹ xanh, húng quế, rau thơm, xà lách, diếp cá).
- Muối, đường, bột ngọt, dầu ăn.
3.2. Dụng cụ làm bánh khọt
Khi làm bánh khọt, bạn sẽ cần đến các dụng cụ gồm:
- Khuôn bánh khọt: Đây là dụng cụ quan trọng nhất để học cách làm bánh khọt.
- Bếp nấu: Bếp than, bếp gas hoặc bếp điện đều có thể sử dụng được.
- Vá múc bột: Nên chọn loại vừa với kích thước của khuôn bánh khọt để bánh được đều và đẹp.
- Dụng cụ trở bánh: Nên mua đũa tre hoặc que nhỏ để lấy bánh ra khỏi khuôn mà không làm bánh bị vỡ.
- Chổi quét dầu: Chọn chổi nhỏ để quét dầu ăn lên khuôn bánh trước khi đổ bột. Làm như vậy thì bánh khọt không bị dính và dễ lật.
- Bát và thau trộn bột: Nên dùng bát lớn hoặc thau để pha bột với nước cốt dừa cùng với các nguyên liệu khác.
- Đĩa và rổ: Dùng để bày rau sống ăn kèm với bánh khọt.
>> Xem thêm: Bột bánh xèo làm từ gì?
4. Cách làm bánh khọt ngon
4.1. Sơ chế nguyên liệu làm bánh khọt
Bạn cần tiến hành sơ chế những nguyên liệu sau:
- Hành tím: cắt bỏ rễ, bóc vỏ, rửa sạch rồi để ráo và băm nhỏ ra.
- Hành lá: rửa sạch, cắt khúc và để tách riêng phần đầu hành với lá hành ra.
- Tôm: cắt đôi tôm nếu tôm to để cho vừa vặn với khuôn bánh khọt. Tiếp đến cắt bỏ phần đầu, vỏ và rút chỉ đen rồi rửa sạch tôm và để ráo nước. Sau đó ướp tôm bằng ½ muỗng muối, ⅓ muỗng bột ngọt, 1 muỗng hành tím băm và một chút đầu hành rồi trộn đều.
4.2. Pha bột bánh khọt
- Để làm ra bột bánh khọt thì đầu tiên bạn cần lấy cơm để nguội đem đi xay thật mịn cùng với 50ml nước lọc.
- Tiếp đó, bạn cho 250g bột gạo vào nồi lớn. Sau đó bạn lần lượt cho cơm vừa xay nhuyễn, 50g bột chiên giòn, 10g bột nghệ, 500ml nước và 100ml nước cốt dừa vào nồi.
- Bắt đầu khuấy đều bột bánh và để cho bột nghỉ trong khoảng 1 tiếng rồi dùng rây lọc bột.
- Sau đó cho thêm 1 quả trứng gà, ½ muỗng muối, 1 muỗng đường, 1 muỗng bột ngọt vào bột và khuấy cho tan.
4.3. Xào nhân bánh
Bắc chảo lên bếp. Cho 1 muỗng dầu ăn vào chảo rồi phi thơm hành tím. Sau đó thì cho tôm vào xào và đảo đều tay. Khi thấy thịt tôm đã săn lại thì bạn có thể tắt bếp được rồi. Ngoài tôm thì bạn còn có thể xào thịt băm hoặc mực để làm nhân bánh khọt.
4.4. Nấu nước cốt dừa
Đổ 100ml nước cốt dừa vào nồi đã được chuẩn bị từ trước. Rồi cho 1 muỗng bột năng vào nồi và khuấy đều hỗn hợp cho đến khi bột năng tan ra. Sau đó đun nồi nước cốt dừa với lửa nhỏ cho tới khi thấy nước hơi nóng và sánh lại thì cho thêm ít muối vào rồi tắt bếp.
4.5. Làm nước chấm
- Băm nhỏ 2 – 3 tép tỏi.
- Cắt nhỏ 2 trái ớt hiểm.
- Cho 100ml nước mắm và 100g đường vào 200ml nước cốt dừa. Sau đó, đun và khuấy đều phần hỗn hợp này cho đến khi đường tan ra hết thì tắt bếp.
- Cho 30ml giấm ăn vào nước chấm và đợi cho nước chấm đã nguội rồi thì cho tỏi và ớt vào nữa là xong.
4.6. Đổ bánh khọt
Đây là bước cuối cùng trong hướng dẫn cách làm bánh khọt. Tại bước này, đầu tiên bạn cần bắc khuôn bánh khọt lên trên bếp và bật lửa lớn để làm nóng khuôn. Sau đó hãy hạ lửa nhỏ xuống và cho lần lượt một ít dầu ăn vào từng khuôn bánh tròn nhỏ. Ngoài ra, để bánh không bị dính trong quá trình nướng thì bạn nên dùng chổi quét dầu để phết một lớp dầu lên trên phần thành khuôn bánh.
Khi dầu nóng lên thì bạn bắt đầu đổ bột vào khuôn. Bạn sẽ cần đổ bột 3 lần vào khuôn:
- Lần 1: Khi thấy dầu nóng thì đổ bột vào khoảng chừng ⅓ khuôn bánh.
- Lần 2: Khi thấy bột chín thì rưới thêm một ít dầu ăn vào rồi cho thêm một ít bột đổ vào khuôn tiếp.
- Lần 3: Khi lớp bột thứ 2 đã chín thì lần lượt cho một ít nước cốt dừa, hành lá. Sau đó đổ thêm chút bột bánh, đặt nhân tôm vào bánh rồi đậy nắp khuôn lại và nấu với lửa nhỏ.
Khi bạn thấy phần đáy bánh chuyển sang màu vàng thì dùng muỗng lật ngược bánh lại để cho bột bánh chín đều, sau đó thì vớt bánh ra khỏi khuôn. Bạn cứ tiếp tục lặp lại cách đổ bánh vào khuôn như vậy cho đến khi hết bột và nhân bánh.
5. Thành phẩm
Bánh khọt sau khi được nấu chín sẽ có lớp vỏ ngoài giòn nhẹ và bên trong thì xốp mềm. Phần nhân tôm đậm vị và mang vị ngọt tự nhiên của tôm. Ngoài ra, bạn còn cảm nhận được vị béo thoang thoảng của nước cốt dừa khi ăn bánh. Để tăng thêm phần ngon miệng thì bạn nên chấm bánh khọt với nước chấm có vị chua, ngọt.
6. Bí kíp làm bánh khọt giòn tan
Để có lớp vỏ bánh khọt giòn tan thì bạn cần chú ý những yếu tố sau:
- Dùng cơm nguội đi xay nhuyễn rồi cho vào bột là bí kíp để bánh khọt giòn hơn.
- Nhớ cho thêm trứng gà để góp phần làm bánh thêm giòn và béo thơm.
- Tỷ lệ nước và bột sẽ ảnh hưởng đến độ giòn của vỏ bánh.
- Tiến hành đổ bột theo đúng thứ tự như trong hướng dẫn ở trên.
Kết luận
Gạo Hoàng Giao hy vọng thông qua bài viết “Cách Làm Bánh Khọt Vàng Ươm, Giòn Rụm, Thơm Ngon Hết Sảy” thì bạn đã biết được cách làm bánh khọt ngon. Chúc bạn thành công trong việc cho ra những mẻ bánh khọt siêu chất lượng nhé!
Liên hệ